Phạm Công Trứ – Tác giả phép “Bình lệ, Ngũ lượng”


Trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, diễn biến chính trị – xã hội khá phức tạp bởi sự tranh giành quyền lực của các thế lực phong kiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn. Nhưng thời thế tạo anh hùng, bao giờ cũng vậy, trước những đòi hỏi, thách thức của lịch sử, thường xuất hiện những nhân tài đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Một trong những nhân vật lịch sử xuất hiện đúng yêu cầu đó là Quốc lão, Thái bảo Yên Quận công Phạm Công Trứ (1600 – 1675). Cùng với những "anh tài" như Vũ Duy Chí, Nguyễn Quán Nho, Trần Đăng Tuyển, Đặng Đình Tướng… Phạm Công Trứ là một trong 39 người "phò tá có công lao tài đức" thời Trung hưng, đã đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho đất nước, vì sự nghiệp "quốc thái, dân an".

Sự nghiệp chính trị

Sự nghiệp chính trị của Phạm Công Trứ, về cơ bản, có thể kể đến những cống hiến của Người đối với đất nước, với triều đình và, thời gian có thể tính từ khi Người thi đỗ và tham gia vào bộ máy chính quyền nhà nước. Trải qua gần 50 năm làm quan, phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực; là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Nội trị, văn hoá, sử học, ngoại giao…

Theo chính sử, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), Phạm Công Trứ dự kỳ thi Đình, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) và được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu thảo. Từ đó trở đi, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa (1631), Phụng Thiên Phủ doãn (1639), Tham chính xứ Thanh Hoa (1640), Thái thường Tự khanh (1642), Phó đô Ngự sử tước Khánh Yên bá (1645), Đô ngự sử (1646), Lễ bộ Thượng thư tước Yên Quận công (1657), Thiếu bảo kiêm Đông các Đại học sĩ, Tham tụng (1661), Lại bộ Thượng thư (1664), Thái bảo Quốc lão tham dự triều chính (1668), Chưởng Lục bộ sự – Thượng thư của sáu bộ (1673), ông mất được truy tặng Thái tể, ban tên thụy là Kinh tế (1675).

Như thế, con đường công danh của Phạm Công Trứ rất hanh thông, trước hết là do tài năng, phẩm hạnh và nhân cách; thêm nữa là sự giúp đỡ, đặc ân của các vua Lê chúa Trịnh. Cả hai vị chúa mà Phạm Công Trứ phò giúp là Trịnh Tráng và Trịnh Tạc đều được đánh giá là các chúa thánh minh: "Về thời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương làm chúa, thì ông nào cũng hết lòng lo việc trị dân, và lại nhờ có những người tôi giỏi như Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng… đều hết sức giúp đỡ, cho nên sửa sang được nhiều việc, nước được yên trị". Là người có tài năng và đức độ nên Phạm Công Trứ được các vua Lê chúa Trịnh rất trọng vọng.

Trong suốt quá trình làm quan, tham gia vào công việc chính sự của triều đình cũng như của phủ chúa, Phạm Công Trứ đã có những sáng kiến đề xuất và cải cách rất táo bạo.

Với cương vị Đô Ngự sử, Phạm Công Trứ cùng với Tham tụng Dương Trí Trạch nhận thấy tầm quan trọng của chức nhiệm các quan đại thần văn võ, cho nên, năm Canh Tý (1660), hai ông đã dâng sớ tấu trình về việc quy định chức trách cũng như phẩm chất của quan văn võ. Những điều răn bảo các quan đương nhiệm này được vua Lê chúa Trịnh rất đồng tình ủng hộ, vì từ đây giữa quyền lợi, trách nhiệm và chức vụ đã gắn bó mật thiết với nhau, tạo thành sự giàng buộc, kiểm soát qua lại khiến các quan thực hiện tốt hơn chức vụ của mình.

Khi đảm đương trọng trách Lại bộ Thượng thư, năm Ất Tỵ (1665), Phạm Công Trứ giao cho Ngự sử đài khảo khoá các nha môn, đã phát hiện sai phạm của nhiều đại thần và tất nhiên, họ đều bị giáng chức. Những việc làm đó đã khiến cho "pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu danh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn, cho nên được gọi là đời thanh bình. Đó là công hiệu của phép làm sáng suốt vậy".

Trên lĩnh vực kinh tế, Phạm Công Trứ đề xuất thực thi phép Bình lệ (kê khai hộ khẩu tại các địa phương để làm cơ sở cho việc bình bổ thuế ngạch), ban hành phép Ngũ lượng nhằm thống nhất các đơn vị đo lường, đong đếm trong nhân gian.

Một điều dễ nhận thấy là, Phạm Công Trứ từng nắm giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, nhưng ở vị trí trọng trách nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại những dấu ấn đậm nét, xứng đáng là công thần lương đống của triều đình: "Phạm Công Trứ là nhà chính trị xuất sắc. Khi giữ chức Tham tụng, ông đã nêu rõ phép khảo khóa (cất nhắc quan lại), ban điều lệ giáo hóa, khen thưởng người có đức hiếu đễ tốt nghĩa, xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế. Những việc sắp đặt của ông được Trịnh Doanh tín nhiệm, thường theo ý ông để ổn định việc trị an. Người đương thời đều khen ông là một Tể tướng tốt".

Một số đóng góp của Phạm Công Trứ trên lĩnh vực quân sự

Trên lĩnh vực quân sự, Phạm Công Trứ luôn là một mưu sĩ rất đáng tin cậy của vua Lê chúa Trịnh. Điều đặc biệt, cả ba biến cố chính trị lớn, xảy ra ở thế kỷ XVII, thì ông đều tham gia và lập nhiều công lớn.

Về việc đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng: Chúng ta biết rằng, Mạc Đăng Dung "tiếm ngôi" năm Đinh Hợi (1527), truyền được 5 đời, đến Mạc Mậu Hợp thì mất (1592). Sau đó, Mạc Kính Cung chạy lên chiếm cứ Cao Bằng và dư đảng nhà Mạc vẫn thường xuyên hoạt động ở đây. Vì thế, vào các năm Giáp Thân (1644), Đinh Mùi (1667), Kỷ Dậu (1669), Phạm Công Trứ phò tá vua Lê cùng chúa Trịnh chinh phạt nhà Mạc và giành được những thắng lợi quyết định. Quan trọng hơn cả là dưới sự tham vấn của ông, nhà Trịnh đã tránh được một cuộc chiến tranh với nhà Mãn Thanh, vì chúng định mượn cớ Phù Lê để xâm lược nước ta.

Về việc chinh phạt quân Nguyễn ở Đàng Trong: Từ khi cuộc chiến Trịnh – Nguyễn nổ ra, trải qua 7 lần đại chiến thì Phạm Công Trứ có đến 5 lần Nam chinh vào các năm: Quý Mùi (1643), Ất Mùi (1655), Canh Tý (1660), Tân Sửu (1661), Tân Hợi (1671). Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn vẫn không phân định được thắng thua. Hai bên giằng co, lúc Trịnh mạnh, khi Nguyễn suy và ngược lại; cuối cùng năm Nhâm Tý (1672) hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ đó, Nam – Bắc triều tạm chấm dứt chiến tranh.

Về việc dẹp nội loạn: Do mâu thuẫn trong nội bộ nhà Trịnh, năm Ất Dậu (1645), Trịnh Lịch và Trịnh Sầm đã dấy quân phản loạn. Nhờ mưu lược khôn khéo và quyết đoán, Phạm Công Trứ đã khuyên phủ Tiết chế (tức phủ chúa Trịnh) nên hành sự trước khi chúng tập hợp lực lượng. Kết quả là, nội loạn trong cung đã được dẹp yên, đó là công lớn của Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu vậy.

Có thể nói, Phạm Công Trứ luôn là "cánh tay đắc lực" cho Trịnh Tạc và Trịnh Căn lập công. Từ Tán lý, Tham tán quân vụ đến Tham tán việc quân, Phạm Công Trứ đã tham mưu đề xuất những mưu sách đúng đắn, giúp vua Lê chúa Trịnh bình ổn được thù trong, giặc ngoài.

Những đóng góp của Phạm Công Trứ trên lĩnh vực văn hóa – xã hội

Trên lĩnh vực văn hóa Phạm Công Trứ cũng có những đóng góp quan trọng. Đầu tiên là ban bố bản Lê triều giáo hoá điều luật (47 điều giáo hóa) nhằm chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều đình, khiến cho các kinh điển của Nho giáo thấm nhuần trong xã hội, làm cho nhân dân trở về với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

Không những quan tâm, chăm sóc đến việc Đạo, việc Đời, Phạm Công Trứ còn tưởng nhớ đến công lao của các vị công thần tử tiết triều Lê. Năm Bính Ngọ (1666), Phạm Công Trứ đã dâng biểu tấu nhằm tuyên dương 13 bầy tôi tử tiết thời Lê sơ, phong làm Phúc thần, cho dựng từ đường và phụng thờ hương khói.

Là người đứng đầu bộ Lễ, Phạm Công Trứ đã kiến nghị vua Lê chúa Trịnh sửa sang lễ nghi, triều phục và định thành quy chế rõ ràng cho các quan văn võ đại thần. Ông cũng quy định phụ nữ và nam giới ăn mặc y phục theo đúng tục lệ truyền thống. Ngoài ra, Phạm Công Trứ cũng nhiều lần tấu xin ra lệnh nghiêm cấm hút thuốc, bởi không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn trở thành một vấn nạn trong xã hội lúc bấy giờ.

Cũng như nhiều nhà khoa bảng khác, ngoài việc làm quan, Phạm Công Trứ còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Với quan niệm Thi ngôn chí (làm thơ để tỏ chí hướng), ông đã mượn hình tượng Cây Quế, Cây Tùng để khẳng định bản lĩnh trung trực, cứng rắn và sẵn sàng ghé vai gách vác công việc của sơn hà, xã tắc của mình. Đặc biệt, trong chuyến hộ giá vua Lê Thần Tông đi Nam chinh ở Thuận Hoá năm Tân Sửu (1661), Phạm Công Trứ cùng với Trần Đăng Tuyển và Nguyễn Văn Thiệu làm thơ và xướng hoạ về những thắng tích, những nhân vật nổi tiếng của các địa phương mà đoàn quân đi qua, tất cả bao gồm 18 bài. Đây là những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên đất nước, con người của ông, đồng thời, quan trọng hơn là thể hiện ý chí quyết tâm của đoàn quân trong việc bình ổn và thu phục châu Ô (do nhà Nguyễn ở Đàng Trong chiếm đóng). Ở trong triều hay trong gia đình, Phạm Công Trứ đã lấy thơ văn để thể hiện quan điểm cũng như sự hiếu đễ của mình.

Phạm Công Trứ cũng gắn bó sâu sắc với sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Để mở mang nền nếp Nho học, giáo dục kẻ sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, ông phụng mệnh làm Giám thủ Quốc Tử Giám, vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, đồng thời đôn đốc và rèn luyện việc học tập của các học sinh ở Quốc Tử Giám. Không những thế, ông cùng quan Tham tụng Dương Trí Trạch dâng sớ xin cung đốn mọi vật cần thiết cho trường thi, đặt biệt là trường thi hương ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học trò học tập. Khi về trí sĩ ở quê hương, ngoài thú vui điền viên, ông còn làm nhiều việc công đức cho làng quê và thúc đẩy nho phong, truyền thống học tập của cả huyện.

Phạm Công Trứ còn là một người thầy năng lực và đầy nhiệt huyết. Nhiều học trò của ông sau này thành đạt, đỗ khoa bảng cao và đảm nhận những chức vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài trấn, như: Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Đào Công Chính, Lê Hữu Danh, Lê Nhân Kiệt, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Công Bích, Nguyễn Viết Thứ… Như thế, trong ba điều vui nhất của người quân tử thì Phạm Công Trứ đều đạt được cả, trong đó có điều vui thứ ba, là được nhận các bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ thành tài.

Ngoài những đóng góp trong nhiều lĩnh vực như đã nêu trên, Phạm Công Trứ còn là một nhà sử học tiêu biểu của thế kỷ XVII. Cùng với Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Hy…, Phạm Công Trứ là người có công lớn trong quá trình biên soạn và hoàn thành bộ quốc sử lớn của dân tộc – bộ Đại Việt sử ký tục biên; đồng thời cũng là người đúc kết, nêu ra những quan điểm và phương pháp cơ bản của sử học, như về mục đích và đối tượng của sử học; về thái độ cũng như phương pháp viết sử của sử gia. Về sử gia Phạm Công Trứ, GS. Phan Huy Lê đã tổng kết:

– Hoàn chỉnh cấu trúc của bộ sử bằng cách phân chia phần Bản kỷ thành 3 phần: Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, Bản kỷ tục biên, và xác định lại ranh giới các phần, các quyển;

– Hiệu đính bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, chỉnh lý và viết tiếp đoạn cuối quyển 10, phần Bản kỷ toàn thư tục biên 3 quyển;

– Bổ sung thêm phần phàm lệ Tục biên và chú giải phàm lệ Toàn thư của Ngô Sĩ Liên;

– Viết thêm bài tựa sách Đại Việt sử ký tục biên.

Với những đóng góp đó, Phạm Công Trứ thực sự là một trong những nhà sử học tiêu biểu của thời kỳ phát triển của sử học Việt Nam dưới thời trung đại.

Nói tóm lại, Phạm Công Trứ là một tấm gương sáng về một vị quan đầu triều hết lòng tận tụy phục vụ đất nước, triều đình. Ông để lại danh tiếng cho muôn đời con cháu mai sau bởi cuộc đời của một con người làm quan cao cấp nhưng thanh liêm, trung thực, ngay thẳng như những lời ngợi ca: "Ông đã sửa mình chính trung tại triều đình, đem tài đức cố gắng hoàn thành trách nhiệm. Trên vì đức, dưới vì dân, ngoài bờ cõi giữ yên lặng, trong đất nước được yên vui no ấm. Ân đức tới mọi người, ai ai không ca tụng".

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp quốc thái, dân an, Phạm Công Trứ là một vị Tể tướng được vua quý, chúa yêu; bạn bè đồng liêu và học trò kính trọng; là tấm gương ngời sáng cho hậu thế noi theo, xứng danh là Trung hưng hiền tướngcủa thời Lê Trung hưng./.

2 thoughts on “Phạm Công Trứ – Tác giả phép “Bình lệ, Ngũ lượng”

  1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Những tư liệu này chủ yếu tham khảo và chắt lọc từ các trang chuyên đề lịch sử thôi.

Leave a reply to labatluong11026668 Cancel reply