Góc phố Cửa Nam



“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón chào nở năm cánh đào…”. Lời hát hào hùng mà da diết, những người dân Hà Nội xưa còn nhớ mãi một Hà Nội với 5 cửa ô, một Hà Nội với 36 phố phường sầm uất”.

Theo các nhà sử học, phía nam thành Hà Nội xưa từng có hai cửa Tây Nam và cửa Đông Nam (cửa Đại Hưng), tất cả đã mất theo thời gian. Rất nhiều địa danh chỉ quanh trong một góc phố này, mà cũng ẩn chứa biết bao lịch sử ngàn năm văn hiến của đất kinh kỳ. Ngã tư Cửa Nam này là chỗ giao nhau của bao nhiêu con phố, thì gắn với bấy nhiêu câu chuyện xưa thú vị.

Cái tên Cửa Nam chỉ còn trong tên một con phố ngắn, quanh khu đó đến nay vẫn còn giữ những tên đất như Đình Ngang (nơi dừng lại để soát xét giấy tờ, thẻ bài trước khi vào Hoàng Thành), Cấm Chỉ (dừng nơi khu cấm) và một góc cái vườn hoa thời Pháp thuộc có dựng tượng “Bà đầm xòe… Câu chuyện về bản sao của tượng Nữ thần Tự Do được đặt tại Hà Nội từ năm 1887 này cũng thật ly kỳ. Hóa ra Hà Nội cũng đã từng có một tác phẩm nghệ thuật vô giá, bởi tượng “Bà đầm xòe” theo cách gọi dân dã của người Hà thành chính là bản sao với tỷ lệ 1/16 của đích thị tượng Nữ thần Tự Do của Hoa Kỳ. Đây có lẽ là bản sao nhỏ nhất với kích cỡ khoảng 2,85m của kiệt tác thế giới này, bởi một bản sao khác được coi như phác thảo gốc có kích thước 11m hiện vẫn là một điểm tham quan thú vị trên sông Seine ở thủ đô Paris của nước Pháp. Chuyện kể là khi làm pho tượng Nữ thần Tự Do tặng cho nước Mỹ, tác giả Frédéric Auguste Bartholdi đã khéo léo giải quyết vấn đề giãn nở của kim loại qua tấm váy lòe xòe của pho tượng. Tượng được làm bằng đồng thau, đúc bằng nhiều mảnh, ghép lại bằng đinh ốc. Người Hà thành thời bấy giờ vì không hiểu lịch sử, nguồn gốc, và ý nghĩa của pho tượng nổi tiếng khắp thế giới này, nên gọi nó là tượng “Bà đầm xòe”. Được triển lãm ở hội chợ Đấu Xảo năm 1887, sau đó tượng được tặng cho Hà Nội và từng được dựng ở vườn hoa trước Ngân hàng Đông Dương, rồi chuyển lên đặt trên đỉnh Tháp Rùa, và cuối cùng là vườn hoa Cửa Nam vào năm 1896, cho đến khi bị giật đổ ngày 1/8/1945 bởi chính phủ Trần Trọng Kim vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ thực dân Pháp. Điều an ủi là với ý tưởng đúc tượng phật A-di-đà lớn nhất Việt Nam, dân làng Ngũ Xã đã quyên góp mua đồng, thu nhặt lượng đồng ở bức tượng Bà đầm xòe này về gom đúc thành bức tượng năm 16 tấn, ngự trên tòa sen tại chùa làng.

Lại nói cái nơi đặt tượng, lúc đó gọi là Quảng Văn đình (đình để truyền tin rộng rãi xây dựng năm 1491, ở ngoài cửa Đại Hưng), làm nơi treo yết các pháp lệnh trị dân. Thời Lê, Quảng Văn đình được dùng làm nơi yết bảng các vị tiến sĩ tân khoa trong một số khoa thi. Triều Gia Long đổi thành Quảng Minh đình. Đây cũng vốn là nơi nhà Nguyễn cho tụ họp mọi người đến nghe giảng về các chủ trương, thông báo của triều đình. Khi xưa, quan lại địa phương vào triều phải có lọng, có đẫy, nên trước khi vào Kinh qua cái cửa thành phía Nam này thường phải dừng lại đây để sắm cho đủ lệ bộ. Bởi vậy, gần địa điểm này có những cái phố từng mang tên là phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn), phố Hàng Đẫy (phố Nguyễn Thái Học). Góc cắt giữa hai con phố Hàng Lọng, Hàng Đẫy xưa có Nhà in Taupin, nơi in những tờ giấy bạc Cụ Hồ đầu tiên, nay là Cửa hàng bách hóa số 5 Nam Bộ. Vào năm 2005 đoạn phố đầu Nguyễn Thái Học – Nam Bộ này được chọn là Đoạn phố Văn hóa của Hà Nội. Cũng bởi khó mà tìm thêm được một con đường đẹp, đông và nhiều tri thức như phố Nguyễn Thái Học. Ở số nhà 65, có thể đọc được dòng giới thiệu nằm ngay cổng nhà đề rằng số nhà văn hóa này là nơi sống của rất nhiều văn nghệ sĩ thành danh của đất nước, trong đó có tới 6 người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Bây giờ các tên tuổi như danh họa Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận… không còn, nhưng hồn vía các ông vẫn còn lại với những tác phẩm để đời của mình. Gia đình thân quyến của các nghệ sĩ vẫn hàng ngày lưu giữ cái không gian lịch sử một thời, để ngày nay khi đi qua số nhà 65, người ta vẫn nghĩ đến họ, nghĩ đến một địa danh rất thực, một không gian sống rất thực vẫn sáng chữ Tri.

Cạnh đó, vùng “đất học” xưa cũng liền ngay đấy với con phố Tràng Thi giao cắt ở góc Cửa Nam này. Có tên như vậy vì trường thi hương xưa tọa lạc tại đây (Thư viện Quốc Gia bây giờ). Cũng đã trải qua tới 4 lần thay tên: Thời Pháp có tên là Rue Borgnis Desborder, sau 1945 đổi tên thành Tràng Thi. Đến thực dân Pháp tạm chiếm đổi là Mỹ Quốc, và phải đến sau 1954, ta mới khôi phục lại tên Tràng Thi. Sát với con phố Tràng Thi là phố Phan Bội Châu, cũng lại tên của một nhà nho yêu nước của dân tộc.

Thế đấy, cái cổng thành một thời tấp nập khi xưa, ngày nay vẫn là cái góc phố giữ nguyên sự đông đúc nhộn nhịp của đất phố phường. Những tên phố, góc nhà, rồi cả những hình ảnh kẹt xe, tắc đường của dòng đời huyên náo thường nhật bây giờ, biết đâu đấy, 50 năm sau lại trở thành những hình ảnh hoài niệm của một thời đã qua…

Leave a comment